Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Chán ngán phim cho teen Việt



Cách đây mấy tuần tôi có xem một bộ phim teen của Thái Lan đang được các bạn trẻ theo dõi nhiều mang tên "Hormones" (Tuổi nổi loạn). Về độ hấp dẫn của series 13 tập này chắc bạn nào đã từng theo dõi đều có thể cảm nhận được, khi mà gần như đây là lần đầu tiên (theo tối biết), có một tác phẩm điện ảnh châu Á phản ánh chân thực, rõ nét, thậm chí "không nể nang" gì về cuộc sống của giới trẻ trong độ tuổi 18-20 đến như vậy. Suốt 13 tập phim, cảm giác trong tôi luôn là mắt tròn mắt dẹt đi hết ngạc nhiên này đến bất ngờ nọ, một mặt vì không hiểu sao các trường học ở Thái lại đề ra những quy định ngặt nghèo kiểu: cấm nhuộm tóc, học sinh nữ phải buộc tóc gọn gàng, học sinh nam cắt tóc ngắn... khi đến trường. Một mặt khác mạnh mẽ hơn là đúng như tên bộ phim, các nhân vật chính đều có những cách khác nhau để "nổi loạn" với tất tần tật những điều được thể hiện không hề che giấu như: sex, lưỡng tính, tình một đêm, hút thuốc, nhậu nhẹt, nói tục, đi bar, chơi gái, băng nhóm đánh nhau... - những điều dù luôn hiển hiện, nhưng vẫn nhiều người cố chấp bảo thủ mà không chịu thừa nhận.

Tôi là một cô gái 21 tuổi chưa sex, không thích thuốc lá, và ghét vài kẻ ấu trĩ chuyên dùng vũ lực để chứng tỏ bản thân. Nhưng không vì thế mà tôi coi những hành động nổi loạn kể ở trên như thứ gì đó xấu xa cần bài xích. Vì tôi nghĩ, âu đó cũng là điều hiển nhiên phải xảy ra khi thế giới không ngừng vận động, chất lượng cuộc sống phát triển và theo đó nhu cầu giải trí của con người cũng đa dạng, phong phú hơn gấp vạn. Giữ gìn bản sắc truyền thống là điều nên làm, nhưng nếu cứ vin vào lý do đó để cản trở hay nặng nề hơn là lên án, trừng phạt thì rút cục chỉ đem lại phản ứng ngược mà thôi. Đến một lúc nào đó những đứa trẻ đang-trưởng-thành sẽ sẵn sàng nhảy xổ lên để khẳng định chính kiến, chứ không mè nheo khóc lóc hay răm rắp nghe lời khi bị đánh đòn như ngày còn bé nữa, nên khi ấy thà vẽ đường cho hươu chạy dúng, còn hơn để nó tự tìm lối lòng vòng rồi tụt xuống hố sâu lúc nào không hay.


Quay về bộ phim Hormones, nhân một ngày tôi đọc được bài báo về những điều "rất Thái" trong Tuổi nổi loạn, trong đó có giải thích về một số tình tiết đặc biệt trong phim liên quan đến bản sắc văn hóa của Thái Lan. Tuy nhiên có một đoạn khiến tôi đặc biệt chú ý như thế này:
"Cũng vì táo bạo đề cập những vấn đề nhạy cảm nên vào cuối tháng 7, Tuổi Nổi Loạn bị Ủy Ban Truyền Thông và Truyền Hình Quốc Gia Thái Lan sờ gáy, triệu tập cuộc họp về việc biên tập lại các tập sau trước khi lên sóng. Công ty sản xuất GTH rất cứng rắn bảo vệ đứa con cưng này, đưa hàng loạt bằng chứng rằng Ủy Ban đã nhắm mắt cho qua nhiều cảnh bạo lực trong các lakorn trên sóng quốc gia. Trên talkshow nổi tiếng Woody Talk, đoàn phim còn chủ động mời khán giả teen trả lời câu hỏi rằng liệu họ có học theo những “thói xấu” của các nhân vật không, và nhận những trả lời rất tích cực. Đấy, đâu phải cứ cho teen xem hút thuốc là sẽ hút thuốc, xem sex là sẽ sex, teen ngày nay “già dặn” hơn nhiều, biết phân định đúng sai hơn nhiều."


Đoạn viết trên khiến tôi nhớ lại một tình huống tương tự xảy ra ở Việt Nam cách đây vài năm với bộ phim sitcom ăn khách đầu tiên - Nhật ký Vàng Anh: Trong những tập đầu, lời thoại của các nhân vật (là học sinh cấp 3) chủ yếu gọi "ông(bà)" và xưng "tôi" thì ngay lập tức bị đủ mọi loại báo chí từ chính thống đến giải trí làm ầm lên là không phù hợp, phải tháy đổi ngay thành "cậu - tớ" nếu không sẽ khiến giới trẻ nhìn thấy thế mà học theo (?!). Vì ngày đó quá áp lực mà cuối cùng đoàn làm phim đã quyết định đổi cho các nhân vật gọi nhau bằng tên và xưng "tôi" ! Trộm nghĩ chẳng hiểu tại sao những nhà phê bình, phóng viên a dua kia phải bức xúc đến như vậy, trong khi chỉ cần chịu khó đứng trước cổng một ngôi trường cấp 3 bất kỳ nào đó trên cả nước vài phút giờ tan học cũng đủ hiểu: học sinh bây giờ nó đã đi qua giai đoạn cậu-tớ, ông-tôi kia từ lâu rồi và chẳng đứa nào thèm quay lại đâu mà "học đòi", "bắt chước".
Cứ mãi mang trong mình lối suy nghĩ cổ hủ cùng cái đầu cứng nhắc không chịu ra ngoài thực tế mà thay đổi. Nên trong khi phim teen Việt trong nước đang còn mải đau đầu nghĩ xem nên viết lời thoại "ý nghĩa", "súc tích" đem loại bài học nhân văn thế này thế kia... cho không bị các bác ở trên sờ gáy, thì giới trẻ lại đang ngày ngày chờ đón những bộ phim của các nước láng giềng kế cạnh mà bên trong lồng ghép vô số những tình tiết như: "thúc đẩy việc học tiếng Anh và ngoại ngữ khác để đón đầu AEC"... Nói đến đây, tôi đoán chắc chắn vài bạn trẻ tự nhận mình là thế hệ tương lai của đất nước sẽ phải bật ngay tab Google mà search xem AEC là thứ gì. Thế đấy !


Những năm gần đây, thể loại sitcom đang dần trở nên quen thuộc và được nhiều hãng sản xuất phim Việt đầu tư thực hiện. Song mang tiếng là vui nhộn, là mới mẻ, là bắt kịp xu hướng, đi theo thời đại và hàng loạt những mỹ từ đình đám nào đó, những cuối cùng chỉ cần xem vài ba tập phim thôi cũng đủ để nhận ra cái "sự cải tiến" kia vẫn chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi. Khi mà những câu thoại ngớ ngẩn đặc sệt triết lý của vài chục năm về trước, nội dung thì nhàm chán thiêu thực tế, thậm chí còn thua xa "Đội đặc nhiệm nhà C21" !
Mới đây thôi, tôi có xem poster của bộ phim sitcom có tên là "5S online" sắp ra mắt với sự góp mặt của dàn diễn viên toàn những hot boy, hot girl nổi tiếng đình đám được các bạn teen hâm mộ gào thét chờ đón. Nhưng ôi thôi, chỉ nhìn qua tên nhân vật được đặt nick-name theo mô-tip: "X công chúa", "Y lãng tử"... - những cái biệt danh giờ mà nói ra chắc lũ trẻ con tiểu học còn cười ngặt nghẽo cho cả ngày, chứ đừng nói là học sinh trung học. Thôi thì đành tiếp tục thở dài ngao ngán về một tương lai phim teen Việt rồi bao giờ sẽ nở hoa.


Nói thực, nếu tôi vào một ngày trời nổi giông bão mà được nhà đầu tư nào đó tin tưởng giao cho viết kịch bản một bộ phim miêu tả chân thực về đời sống teen Việt hiện nay thì chắc chắn tôi sẽ kể về những điều sau đây:
1. Đi chơi: chụp ảnh check-in cafe sang chảnh, trà chanh chém gió.
2. Đến trường: tóc nhuộm xanh đỏ, mang váy đồng phục đi cắt ngắn, quần càng bó càng tốt, áo chiết ly siêu sát và cứ đi qua cổng trường là tháo hết sơ-vin.
3. Kể vanh vách tên và chuyện hot girl này đi ăn ở đâu, hot boy kia đi ị chỗ nào, chúng nó yêu nhau ra sao như là thân quen họ hàng lâu lắm rồi.
4. Tay lúc nào cũng lăm lăm điện thoại với vài tab quen thuộc: Facebook, haivl, Kênh 14.
5. Tin tức giải trí kiểu hôm nay Bà Tưng đi chùa, Angela bị cấm diễn, cô X lộ ngực, anh Y là pê đê... thì nắm rõ trong lòng bàn tay bàn chân. Nhưng khi hỏi nhiệm kỳ này ai là Chủ tịch nước thì ngơ ngác mãi mới nhớ, thậm chí nhiều người vẫn nghĩ Tổng bí thư của nước ta là bác Nông Đức Mạnh!
6. Một nhóm bạn 10 người thì quá nửa trong đó có máy ảnh cơ xịn trong tay, và nghĩ ra một đóng ý tưởng hay ho với nó như: làm vlog, làm phim, chụp ảnh. 
7. Và kiểu gì những món ăn đặc trưng kiểu như: ốc luộc, bún đậu mắm tôm, nem rán, trứng cút lộn... sẽ được trở đi trở lại trong phim nhiều nhất có thể.
...
Đấy, hiện giờ mới kể sơ sơ ra như thế. Đã có ai muốn xem bộ phim do tôi viết kịch bản chưa, giơ tay nào?