Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Bóng núi

Trong những câu chuyện kể về gia đình, tôi thường không nhắc tới bố. Nếu ai có hỏi, tôi thường nói tránh: “Bố đi công trình xa”, cơ bản vì tôi không biết kể gì về bố.
Bố đi công trình xa thật, đời công nhân cơ giới, quanh năm ngày tháng ăn bụi ngủ lán nơi góc rừng, hẻm núi. Một năm, bố về thăm nhà được hai lần, một lần vào khoảng tháng Bảy, để họp tổng kết sáu tháng đầu năm. Thường thì bố về tối hôm trước, sáng hôm sau họp và chiều theo xe đi luôn, lần thứ hai vào dịp tết, và ở nhà được ba ngày. Mọi chuyện trong nhà, do một tay mẹ thu vén, lo toan.
Ngày tôi còn bé, có lần bố về thăm nhà, tôi kiên quyết không gọi bố là bố, chỉ gọi chú, buổi tối cứ nằng nặc: “Mẹ bảo chú này về đi, trả giường cho con ngủ”. May mà mẹ tôi không giống “người thiếu phụ Nam Xương” thuở trước.
Tuy bố ít về, bố cũng không mấy khi dùng roi như mẹ, nhưng ba chị em tôi sợ bố một phép. Chỉ cần bố lừ mắt là ba chị em co rúm người, biết ngay là mình phạm lỗi, không bao giờ dám tái phạm. Những ngày bố về, chị em tôi cứ then lét như rắn mùng Năm, có khi còn cầu bố nhanh đi, cho dễ thở một chút.
Tôi vẫn thường ao ước có một người bố biết cõng con mình trên lưng cho nó bay, một người bố dẫn con ra bể nước, cho nó ngồi vào thau nước đầy tràn, một người bố cần mẫn giữ xe đạp đến toát mồ hôi cho đứa con gái của mình...
Sau này lớn lên một chút, chúng tôi mới nhận thấy, cuộc sống hôm nay mình có là vì những tháng ngày đằng đẵng xa nhà, xa gia đình của bố. Người ta làm hết ca thì nghỉ, bố tôi còn làm thêm ca nữa, kiếm thêm tiền tăng ca, cho những nhớ thương về ngôi nhà nhỏ có mẹ và chị em chúng tôi bớt làm bố nhức nhối.
Năm tôi 21 tuổi, có một cái giải thưởng trong thành phố HCM, bố tôi khi ấy đang làm ở công trình thủy điện Yaly (Gia Lai), bố đã tức tốc bắt xe về chỉ để đưa tôi đi cho yên tâm. Tôi ngần ấy tuổi, mà bố vẫn chưa cho ra khỏi nhà một mình, có lẽ trong mắt bố, tôi còn bé lắm.
Bố tôi vất vả, sự nghiệp cũng long đong. Có những người là học trò của bố, sau này đã làm đến chức chỉ huy trưởng công trình hay phó nọ trưởng kia, còn bố vẫn chỉ là anh thợ bậc cao, ăn lương thâm niên vì không biết khom lưng cúi đầu. Người ta ái ngại cho bố, bố gạt đi, bảo: “Sống sao cho thanh thản là được!”
Nhưng biết bao giờ bố mới được thanh thản? Tôi vẫn nhớ như in có lần bố ngồi vào mâm cơm mà viền ngón tay còn nguyên dầu mỡ đen kịt. Mẹ nói sao bố không rửa kĩ, bố trả lời: “Vội về ăn cơm với các con, cho chúng nó còn đi học!”. Lúc đó tôi chỉ im lặng, sau nghĩ lại thấy rớt nước mắt. Những ngày xa nhà của bố lâu quá, mãi gần đến khi về hưu bố mới chuyển về gần nhà, nên bố trân quý những lúc gia đình sum họp. Ăn cơm xong, bố là người rửa bát cho chị em tôi có thời gian chuẩn bị đến trường. Bố luôn dặn, dù đi học hay đi làm, cũng phải đến trước ít nhất mười lăm phút. Thà mình đợi người, chứ đừng để người đợi mình.
Giờ bố mẹ tôi đã về hưu, hai ông bà ở nhà chăm mấy đứa cháu ngoại. Buổi tối, ông nhắc lũ con cả gái lẫn rể... sạc pin điện thoại. Mỗi sáng, ông dắt xe máy của cả nhà ra sân, không bật chìa khóa, cứ thế đạp rà một lúc cho trơn máy, bảo khởi động thế máy mới bền. Cứ thế, bố tiễn từng người ra cổng, còn dặn đứa nào nhớ ghé bơm hơi hay đổ xăng.
Bố tôi, chưa khi nào điện thoại hết tiền hay hết pin, chưa khi nào phải dắt xe vì hết xăng, bố chăm đàn cháu đến mức chúng tôi thành kẻ thất nghiệp. Bố nghiêm khắc với chị em tôi bao nhiêu thì bố cưng chiều lũ cháu bấy nhiêu, thế mà chúng rất ngoan và sợ ông. Đôi khi chúng tôi tụ tập lại, “nói xấu” bố: “Hay bố nhận thấy cách dạy kia là sai lầm?”
May mà bố không nghe thấy, nếu không thể nào cũng bị bố lừ mắt cho. Chúng tôi sợ bố nhưng lại lấy bố làm thước đo cho những người con trai mình gặp trong đời. Bố luôn đứng về phía những chàng rể, mắng con gái mình như thể chúng tôi không phải là con bố. Tôi vẫn ấm ức tủi thân với tuổi thơ vắng bố của mình, nhưng cũng nhờ đó mà chị em tôi có thể làm tất cả mọi việc, kể cả việc kéo dây mắc điện, mua gỗ đóng chuồng gà, gánh cát san nền... Mỗi khi nhìn bàn tay thô kệch, chai sần của mình, tôi lại nhớ bố, không phải để oán trách vì bố khiến chúng tôi vất vả, mà là nhớ những móng tay dính dầu của bố ngày nào.
Bởi vì bố muốn về nhà thật nhanh, bởi vì bố thương chúng tôi bằng tình thương không ủy mị, muốn chúng tôi tự lực...
Hơn tất cả, bởi chúng tôi là gia đình và tình yêu của bố.