Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Sài Gòn chia năm xẻ bảy

Ảnh minh họa: internet
Không như những người vùng khác – những người có cái may mắn thuộc hết từng con đường từng quán xá nơi thành phố họ ở, người Sài Gòn không bao giờ biết được hết Sài Gòn của mình. Vì Sài Gòn quá rộng, và thay đổi quá nhanh để có thể thuộc hết!
Đột ngột biến mất!
Người Sài Gòn thường bị trách sao sống quá ích kỉ, chỉ biết mỗi mình mình. Khi nghe những lời trách móc, họ chỉ im lặng, không một lời cãi lại hay biện minh. Người Sài Gòn chẳng biết nói sao cho người ta hiểu. Chỉ biết rằng mình không ích kỷ. Tất cả sự thu mình, sự lãnh đạm khi đi ngang qua mọi thứ, đó chỉ bởi vì họ rất sợ! Sợ rằng nếu mình lỡ nhớ lỡ thích một điều gì, rồi sau một đêm thức dậy, dụi mắt và nó đột nhiên biến mất. Như chưa từng tồn tại. Như chưa từng ở bên, thì người Sài Gòn biết phải làm sao?
… Như quán chè ba màu thân thuộc trên đường 3/2, một ngày co giò đạp xe đến, mồ hôi chưa kịp ráo thì đã thấy tấm biển “Nghỉ bán!”. Không một dòng liên lạc. Không giải thích gì thêm. Mấy ngày sau người Sài Gòn vẫn ngây thơ giữ trong mình niềm hy vọng, quay lại đó, rồi lại thất vọng quay về. Nghỉ bán thật rồi! Từ đó người Sài Gòn không ăn chè ba màu ở một nơi nào khác nữa. Mọi thứ hay đột ngột biến mất, không lý do như vậy với người Sài Gòn. Cho nên họ không muốn nhớ nhiều nữa. Ghi nhớ để rồi buộc phải quên đi – cứ như vậy sẽ để lại những nét gạch gạch xóa xóa rất xấu xí trong lòng! Nên thôi đừng nhớ! – người Sài Gòn tự nhủ lòng mình như vậy.
Khắc cốt ghi tâm
Ở Sài Gòn có những thứ không nên nhớ làm gì! [Chỗ này cần nhấn mạnh nên phải gạch dưới]. Chẳng hạn như căn nhà to, hai mặt tiền ngay góc Nguyễn Thị Minh Khai – Nguyễn Thiện Thuật, từ đó đến giờ không biết nó đã đổi chủ bao nhiêu lần. Khi là tiệm cà phê, khi thì shop quần áo, khi là tiệm linh kiện máy tính… Với cuộc sống đổi thay mỗi giờ, mỗi phút như vậy, người Sài Gòn không thể nào nhớ hết tất cả, nhớ những thứ linh tinh lang tang hay thay đổi như vậy. Nhưng, khi đã nhớ một thứ gì, họ sẽ khắc cốt ghi tâm! Căn nhà cũ trên đường 3/2, căn nhà có những tháng ngày đầm ấm sung sướng nhất, nơi gia đình hãy còn là sáu người vui vẻ, người Sài Gòn vẫn đi ngang qua, gần như mỗi ngày. Và lần nào cũng ngước mắt nhìn lên, sau đó một mình thở phào, một mình mỉm cười vui sướng mà không ai để ý. Niềm vui mỗi sáng của người Sài Gòn là thấy căn nhà cũ vẫn còn đó. Và người chủ mới sau này, dù đã qua mười lăm năm, vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ của nhà cô, chỉ có màu sơn là đổi khác.
… Lúc mới lớn, người Sài Gòn mơ mộng rằng sẽ có một người đàn ông to lớn, vững chãi cưới cô, rồi mua lại căn nhà đó, tặng cho cô vào đúng ngày sinh nhật. Bây giờ lớn rồi, biết giá đất Sài Gòn rất mắc, căn nhà cũ của cô lại nằm ngay mặt tiền đường 3/2, sẽ khó mà kiếm đủ tiền mua lại được! Người Sài Gòn thôi mơ mộng. Và rất buồn, vì một giấc mơ nữa lại tiêu tan, khi cô đã lớn lên.
Khi ta đã lớn lên, mỗi ngày đến lại rất buồn! Vì những giấc mơ cứ lần lượt bị đánh tan. Và sự thực khắc nghiệt cứ chực chờ sẵn. Mà ta là con mồi!
Sài Gòn chia năm xẻ bảy…
Trưởng thành. Người Sài Gòn đem lòng yêu những người khác xứ. Người con trai đến-từ-nơi-khác đôi khi kéo cô đến những góc mà cô chưa từng biết đến, ngay trong lòng Sài Gòn của cô. Cô ngạc nhiên “Ồ mình là người Sài Gòn mà mình chưa từng biết đến chỗ này!”. Cô thật thà đem lòng yêu từng góc nhỏ, từng con đường đó, như yêu chính anh. Để rồi khi có điều không may xảy đến, khi phải xa nhau, cô không bao giờ đủ dũng khí đi qua những con đường đó nữa. Người Sài Gòn lại thu về, chỉ dám quẩn quanh những con đường đã quen thuộc với mình, cho an toàn. Sài Gòn trong cô lại bị tước đi một phần, lại nhỏ bé hơn một phần… Phần Sài Gòn đó không còn thuộc về người Sài Gòn nữa! Nó thuộc về kỉ niệm với một người đến-từ-nơi-khác!