Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Những cô giáo không còn trên bục giảng

Cho dù học không cao, song tôi học khá nhiều thầy cô. Riêng với các cô giáo, ngoài sự tôn kính, chính sự dịu dàng ân cần của các cô in sâu đậm vào lòng tôi hơn cả. Ngoài các cô giáo còn trên bục giảng nơi trường xưa mà tóc cũng đã hoa râm, chính những cô giáo vì nhiều hoàn cảnh phải rời  phấn viết để vào đời mưu sinh khiến tôi nhớ và nghĩ đến rất nhiều.
Cô giáo dạy hóa học cấp II cho chúng tôi là trường hợp như thế. Cuộc sống riêng của cô đa đoan lắm: chồng cô nghỉ việc nhà nước, gánh nặng áo cơm đè nặng trên vai khiến cô luôn có vẻ sầu muộn. Rồi vì lý do gì đây không rõ, cô rời trường vào cuộc sống bon chen nhiều vất vả. Trong những lúc bất chợt, khi thì tôi thấy cô lầm lũi với xấp vé số trên tay, khi thì là một cần xé bánh mì… Thương cô biết bao, nhưng biết làm sao được. Mới rồi thấy chồng cô với xe nước mía ven đường, dừng lại hỏi thăm cô làm gì, thầy chỉ vào chiếc lò và khuôn bánh khọt: cô em bán món này… Cô ơi! Từ ngày cô rời nhà trường, có đứa nào đến thăm cô, bao nhiêu lần 20/11 có học trò nào nhớ đến cô không? Giờ đây, bao năm lăn lộn với cơm áo gạo tiền và nắng gió, những phương trình phản ứng hóa học biết có còn gợi nhớ cho cô về một thời? Và nhiều thứ nữa, em muốn nói với cô.
Trường hợp khác là cô giáo dạy văn người gốc Sài Gòn. Cô luôn có vẻ ưu tư, song mỗi tiết văn luôn hào hứng sôi nổi, cô như bỏ mất hết sự ưu tư cố hữu của mình. Tôi nhớ khi ấy, mỗi tiết trích giảng văn học do cô dạy luôn để lại trong lòng học trò dư vị ngọt ngào sâu lắng của ngôn từ… Vậy mà chẳng bao lâu sau chúng tôi tốt nghiệp phổ thông, nghe tin cô phát bệnh tâm thần, cùng mẹ về Sài Gòn, cuộc sống khó khăn. Thật sự là bi kịch cho cô, cho chúng tôi... Vẫn cũng chỉ biết kêu: cô ơi!
Bao nhiêu cô giáo của chúng tôi gieo chữ, mòn mỏi theo thời gian, người còn người mất, song tất cả đều cao quý với sự tận tâm và tình thương yêu học trò. Cô của chúng tôi thời ấy không được khoác những bộ áo dài tha thướt, đẹp đẽ như bây giờ, và các cô đến trường với chiếc xe đạp hay đi bộ mà thôi. Cô giáo của chúng tôi thời ấy vất vả với nồi niêu xoang chảo trong khu tập thể bộn bề, và đồng lương vô cùng ít ỏi. Vậy mà những người cô rời bục giảng vào đời mưu sinh lại phải chịu đựng cuộc sinh nhai vất vả hơn, cơ cực hơn nhiều… Nhưng các cô đều sống lương thiện và chân chính, tiếp tục dạy chúng tôi bằng cuộc sống của mình thay cho những phương trình phản ứng hóa học hay trích giảng văn thơ như khi còn dạy dỗ chúng tôi dưới mái trường. Các cô tiếp tục sáng đến giọt sáng cuối cùng để đàn học trò ngày xưa noi theo. Nghĩ như thế thấy nhẹ lòng hơn…
Mong mỏi những gì tốt đẹp nhất đến với các cô giáo đã rời bục giảng mưu sinh trong đời, làm sao bài văn có kết có hậu, để chúng tôi an lòng hơn.
Cô ơi!